TẦM SOÁT KHIẾM THÍNH SƠ SINH

TẦM SOÁT KHIẾM THÍNH SƠ SINH

TẦM SOÁT KHIẾM THÍNH SƠ SINH
 
1.      VÌ SAO CẦN TẦM SOÁT KHIẾM THÍNH SƠ SINH?
 
Khiếm thính sơ sinh xảy ra ở tỷ lệ 1/1000 – 1/2000 trẻ sơ sinh, riêng trong nhóm trẻ có nguy cơ cao thì tỷ lệ trẻ sơ sinh khiếm thính có thể rất cao, từ 1/50 trẻ đến 1/25 trẻ sơ sinh.
 
Khiếm thính càng gây nhiều tác hại khi xảy ra càng sớm, vì bản chất của việc hình thành tiếng nói là một sự lặp lại những gì trẻ đã nghe. Không nghe được có nghĩa là trẻ sẽ không biết nói. Vì vậy trẻ khiếm thính cần được xử trí kịp thời và đúng cách để giảm bớt các ảnh hưởng bất lợi đến việc học tập, giao tiếp xã hội, hòa nhập cộng đồng, và phát triển thần kinh tâm lý. Trẻ sơ sinh nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể nghe, nói và phát triển thần kinh tâm lý như người bình thường, nếu không có các triệu chứng khác kèm theo.
 
2.      NHỮNG TRẺ NÀO CẦN TẦM SOÁT KHIẾM THÍNH SƠ SINH?
 
Tất cả trẻ sơ sinh đều cần được tầm soát khiếm thính, vì hầu hết trẻ khiếm thính có vẻ ngoài hoàn toàn bình thường, nếu đợi đến lúc có triệu chứng rõ thì việc điều trị sẽ không đạt kết quả mong muốn. tuy nhiên trong điều kiện hiện tại, nhân sự còn hạn chế, chi phí tầm soát tương đối cao so với một số gia đình, thì có thể ưu tiên tầm soát khiếm thính cho nhóm trẻ sơ sinh có nhiều nguy cơ nhất, gồm những trẻ:
 
–   Trẻ thiếu tháng (tuổi thai lúc sinh < 37 tuần),
–   Trẻ quá ngày (tuổi thai lúc sinh > 42 tuần) và/hoặc già tháng,
–   Trẻ yếu sau sinh, hoặc nhiễm khuẩn bào thai, hoặc nhiễm khuẩn sơ sinh sớm (có triệu chứng nhiễm khuẩn trước 7 ngày tuổi),
–   Trẻ có dị tật bẩm sinh bên ngoài.
 
Trẻ của những người mẹ đã từng sẩy thai tự nhiên, hoặc người mẹ có tiền sử mắc phải một trong số các bệnh nhiễm khuẩn bào thai sau đây: Toxoplasma, Rubella, nhiễm virus hạt bám cự bào (CMV), Herpes.
 
3.      PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT KHIẾM THÍNH SƠ SINH
 
–     Phương pháp sử dụng giọng nói:
Cho bé nghe một giọng nói gồm nhiều âm đơn giản ở một khoảng cách đến tai nhất định. Nếu bé không có biểu hiện gì là đã nghe các âm đơn giản trên thì cần đưa bé đến kiểm tra thính lực tại các bệnh viện chuyên khoa. Phương pháp này có khuyết điểm là có thể cho kết quả dương tính giả (nghi ngờ khiếm thính trong khi bé bình thường) gây tâm lý lo lắng cho gia đình và phải tốn nhiều công kiểm tra kết quả.
 
–     Phương pháp tầm soát khiếm thính bằng máy kiểm tra thính lực
Trước kia, việc kiểm tra này chỉ được thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa. Ngày nay, việc kiểm tra khiếm thính sơ sinh có thể được thực hiện ngay tại các cơ sở sản khoa và chăm sóc sơ sinh. Có hai loại máy kiểm tra thính lực:
–      Máy đo ốc tai (OAE): sử dụng phương pháp đưa kích thích âm vào tai của bé và đo âm truyền đến tai giữa. nếu tai giữa có bất thường, âm ốc tai sẽ không đo được. Phương pháp OAE không hoàn toàn chính xác và lệ thuộc vào một số điều kiện kỹ thuật.
–      Máy đo điện thân não (ABR): đưa kích thích âm đến tai, kế đó đo các sóng điện đáp ứng sớm của thân não. Đây là phương pháp đo thính lực đơn giản, ít mất thời gian và có độ chính xác cao, hiện đang được sử dụng tại bệnh viện Hùng Vương.
 
tresosinh
 
4.      QUY TRÌNH TẦM SOÁT KHIẾM THÍNH SƠ SINH
     –     Tư vấn trước tầm soát
Các sản phụ có thể đề nghị gặp các bác sĩ nhi tại bệnh phòng để giải thích
–     Kiểm tra thính lực
Nhân viên và/hoặc gia đình sẽ đưa bé đến “Phòng kiểm tra thính lực sơ sinh”. Trung bình cần khoảng 30 phút cho một lượt kiểm tra.
–     Tư vấn sau tầm soát
Nếu bé có kết quả tầm soát (-), các bà mẹ có thể yên tâm về thính lực lúc sinh của bé.
Nếu bé có kết quả tầm soát nghi ngờ, các bà mẹ cần gặp bác sĩ nhi để được tư vấn thêm và hướng dẫn các bước kế tiếp
–     Chẩn đoán xác định khiếm thính sơ sinh
Khi nghi ngờ khiếm thính, các bé sẽ được hẹn trở lại bệnh viện lúc được 1 tháng tuổi để kiểm tra (miễn phí).
Những bé vẫn có kết quả bất thường trong lần kiểm tra này sẽ được giới thiệu sang Khoa Thính lực – Bệnh viện Tai Mũi Họng để được theo dõi và điều trị.

Share this post